Xương có cảm giác cứng khi chạm vào, nhưng bên trong xương thực sự chứa đầy những lỗ hổng giống như tổ ong (honeycomb).  Các mô xương bị phân hủy và tái tạo thường xuyên.  Mặc dù một số tế bào tạo ra mô xương mới, nhưng một số khác phân hủy xương và phóng thích các khoáng chất bên trong.

Khi chúng ta trở nên già đi, chúng ta bắt đầu mất đi số lượng mô xương nhiều hơn so với số lượng mô xương được tái tạo.  Các lỗ nhỏ bên trong xương trở nên lớn hơn, và lớp xương cứng bên ngoài trở nên mỏng hơn.  Nói một cách khác, xương của chúng ta trở nên bớt dày đặc hơn.  Các xương cứng hóa xốp, và các xương xốp càng trở nên xốp hơn.  Nếu mật độ xương này mất đi quá nhiều, thì đây được gọi là chứng loãng xương (osteoporosis).  Có trên 10 triệu người ở Hoa Kỳ được ước tính bị chứng loãng xương.

Bị gãy xương trong các tai nạn là điều bình thường.  Nhưng nếu xương của bạn đủ dày, thì chúng ta có thể đứng lên trong đa số những lần bị té ngã.  Tuy nhiên, xương bị suy yếu bởi chứng loãng xương sẽ có nhiều khả năng bị gãy (nứt).

“Cũng giống như bất kỳ loại vật chất tạo cấu trúc nào”, theo lời bác sĩ Joan McGowan, một chuyên gia nghiên cứu về loãng xương của Viện Sức Khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH).  Nếu bạn bị té ngã và sức nặng của bạn đè lên một xương mỏng giòn, “thì nó đạt đến một điểm mà các cấu trúc không đủ sức để chống đỡ trọng lượng của bạn đè nặng lên chúng”.  Nếu xương bị gãy, đây là một dấu hiệu chính cho biết một người bị chứng loãng xương”.

Tình trạng gãy xương có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng đối với những người cao tuổi.  Phần hông là một vị trí thường thấy bị loãng xương, và tình trạng gãy xương đùi hông (hip fractures) có thể dẫn đến mất khả năng vận động càng lúc càng nghiêm trọng và mất khả năng tự lập.  Chứng loãng xương cũng thường thấy ở cổ tay và cột sống.

Hooc môn estrogen giúp xây dựng và tái tạo xương.  Mức estrogen ở phụ nữ giảm xuống sau khi mãn kinh, và tình trạng xương bị mất đi bắt đầu tăng lên.  Đó là lý do tại sao chứng loãng xương thường được nhìn thấy nhất ở những phụ nữ lớn tuổi.  Nhưng đàn ông cũng bị loãng xương.

“Một phần ba tất cả các trường hợp gãy (nứt) xương đùi hông xảy ra ở nam giới, tuy nhiên vấn đề loãng xương ở nam giới thương bị coi nhẹ hoặc phớt lờ”, theo lời của bác sĩ Eric Orwoll, một nhà nghiên cứu chứng loãng xương tại trường Đại Học Khoa Học và Sức Khỏe Oregon(Oregon Health and Science University – OHSU).  Nam giới có khuynh hướng hồi phục kém hơn so với phụ nữ sau khi bị gãy xương đùi hông, bác sĩ Orwoll nói.

Các chuyên gia đề xuất rằng nên bắt đầu kiểm tra tầm soát chứng loãng xương vào độ tuổi 65.  Những phụ nữ chưa đến 65 tuổi và có nhiều nguy cơ bị gãy (nứt) xương cũng nên được kiểm tra tầm soát.  Nam giới cũng nên thảo luận các đề xuất kiểm tra tầm soát với bác sĩ gia đình của họ.

Kiểm tra sàng lọc được thực hiện với xét nghiệm mật độ khoáng chất ở hông và cột sống.  Xét nghiệm phổ biến nhất có tên là DXA, viết tắt của dual-energy X-ray absorptiometry (đo hấp thụ X-quang năng lượng kép).  Tiến trình này không gây đau, giống như chụp X-quang.  Kết quả xét nghiệm thường được báo cáo dưới dạng điểm T (T-score), so sánh mật độ xương của bạn với mật độ xương của một phụ nữ trẻ khỏe mạnh.  Điểm T có giá trị -2,5 hoặc thấp hơn sẽ cho thấy bị chứng loãng xương.

Có nhiều thứ bạn có thể làm để giảm bớt nguy cơ bị chứng loãng xương.  Tiêu thụ nhiều canxi, vitamin D, và tập thể dục là một sự bắt đầu hợp lý, bác sĩ Orwoll nói.

Canxi là một khoáng chất giúp xương cứng chắc.  Canxi có thể được hấp thụ từ những thực phẩm bạn tiêu thụ – bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa, các loại rau củ quả có lá màu xanh đậm chẳng hạn như cải xoăn (kale) và các loại cải lá (collard green) – hoặc từ các loại thực phẩm chức năng.  Những phụ nữ trên 50 tuổi cần 1200 mg canxi mỗi ngày.  Những nam giới từ 51 đến 70 tuổi cần 1000 mg canxi mỗi ngày, và 1200 mg canxi mỗi ngày từ 71 tuổi trở lên.

Vitamin D giúp cơ thể bạn hấp thụ canxi.  Khi bạn càng lớn tuổi, cơ thể bạn càng cần nhiều vitamin D hơn, vitamin D được da của bạn tạo ra khi bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.  Bạn cũng có thể hấp thụ vitamin D từ các thực phẩm chức năng và từ một số loại thực phẩm, chẳng hạn như sữa, trứng, cá có nhiều chất béo, và các loại ngũ cốc được tăng cường(fortified cereal).  Hãy nói chuyện với bác sĩ gia đình của bạn để đảm bảo rằng bạn tiêu thụ đầy đủ vitamin D.  Các vấn đề bệnh lý có thể phát sinh nếu bạn tiêu thụ quá ít hoặc quá nhiều.

Tập thể dục, đặc biệt là thể dục chịu sức nặng (weight-bearing exercise), cũng giúp ích cho xương.  Các loại hình thể dục chịu sức nặng bao gồm,chạy chậm (jogging), đi bộ, đánh quần vợt, và khiêu vũ.  Sức kéo các cơ là một yếu tố nhắc nhở các tế bào xương của bạn rằng bạn cần giữ cho mô xương dày đặc hơn.

Ngược lại, hút thuốc lá làm cho xương bị yếu đi.  Uống nhiều bia rượu cũng làm yếu xương – và làm cho những người này có nhiều khả năng bị té ngã.  Một số loại thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ bị loãng xương.  Có những thành viên trong gia đình bị loãng xương cũng có thể làm cho bạn tăng nguy cơ bị chứng bệnh này.

Tin vui là, cho dù bạn đã bị chứng loãng xương, không quá trễ để bắt đầu chăm sóc xương của bạn.  Vì xương của bạn thường xuyên tái tạo, cho nên bạn có thể giúp thúc đẩy tiến trình tái tạo này bằng cách tập thể dục, tiêu thụ canxi, và vitamin D.

Một vài loại thuốc cũng có thể giúp chống lại tình trạng loãng xương.  Loại thuốc được dùng rộng rãi nhất là bisphosphonates.  Nhóm thuốc này thường được chỉ định cho những người được chẩn đoán bị loãng xương sau khi xét nghiệm DXA, hoặc được chỉ định cho những người bị gãy (nứt) xương và cho thấy có dấu hiệu xương quá yếu.  Nhóm bisphosphonates đã được kiểm tra triệt để hơn ở phụ nữ, nhưng cũng được chấp thuận cho sử dụng ở nam giới.

Các nhà nghiên cứu đang cố gắng phát triển các loại thuốc giúp làm tăng quá trình tăng trưởng xương.  Hiện tại, chỉ có một loại, đó là hooc môn tuyến cận giáp (parathyroid hormone).  Nó có tác dụng tạo xương hiệu quả và được chấp thuận cho phụ nữ và nam giới bị loãng xương mà những người này có nhiều nguy cơ bị gãy (nứt) xương.

Một cách quan trọng nhằm tránh bị gãy xương là ngăn ngừa bị té ngã.  Tuy nhiên, có hơn 2 triệu trường hợp bị gãy (nứt) do xương giòn (đáng lẽ đã không xảy ra nếu xương cứng chắc hơn) xảy ra mỗi năm ở Hoa Kỳ.  “Để giảm bớt gánh nặng gãy xương cho xã hội, chúng ta cần đến một phương pháp tiếp cận phối hợp bao gồm tập trung vào khung xương và tập trung ngăn ngừa bị té ngã”, theo lời của bác sĩ Kristine Ensrud, một nhà nghiên cứu về các rối loạn liên quan đến lão hóa tại trường Đại Học Minnesota (University of Minnesota) và Hệ Thống Chăm Sóc Sức Khỏe Cựu Chiến Binh Minneapolis (Minneapolis VA Health Care System).

Nhiều thứ có thể ảnh hưởng đến nguy cơ té ngã, chẳng hạn như mức độ giữ thăng bằng của một người và những mối nguy bị vấp ngã trong môi trường sống.  Cách bị té ngã cũng là yếu tố quan trọng.  Gãy xương cổ tay thường xảy ra khi một người bị ngã về phía trước hoặc ngã ra phía sau.  “Chính những người lớn tuổi năng động khi bị va vấp thường đưa tay ra chống”, bác sĩ McGowan nói.  Các trường hợp gãy xương đùi hông thường xảy ra khi một người bị ngã về một bên.  Hông của bạn có thể đủ mạnh để chống đỡ sức nặng khi đứng lên ngồi xuống, nhưng không chịu được sự va đập mạnh từ một hướng khác.

“Đó là lý do tại sao môn tập thể dục giúp tạo thăng bằng và tự tin là một phương pháp rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa gãy (nứt) xương”, bác sĩ McGowan nói.  Ví dụ, thái cực quyền (tai chi) không cung cấp những hợp chất tạo xương, nhưng nó có thể làm tăng khả năng giữ thăng bằng và phối hợp vận động – và làm cho bạn có nhiều cơ hội giữ lại được thăng bằng trước khi bị vấp ngã.

Các nhà nghiên cứu được Viện Sức Khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ tài trợ đang tìm kiếm những cách thức tốt hơn để biết được mức độ cứng chắc của xương, và nguy cơ bạn bị gãy xương.  Tuy nhiên, cho đến nay, xét nghiệm DXA là phương pháp đo lường tối ưu nhất, và nhiều người cao tuổi, thậm chí những phụ nữ lớn tuổi, vẫn chưa biết đến xét nghiệm này, bác sĩ Ensrud nói.  Nếu bạn quan tâm đến sức khỏe xương của mình, bà nói thêm, “Hãy hỏi bác sĩ gia đình về cơ hội kiểm tra mật độ xương”.

Nguồn: Thamkhaoyhoc.org